“Tái lập trạng thái bình thường” có thể được xem là nguyên tắc để chữa trị hầu hết mọi căn bệnh, và trong ngành nha khoa cũng vậy, khi bị tổn khuyết về cấu trúc răng, chúng ta luôn hướng tới việc làm nó trở về trạng thái giống như ban đầu vốn có. Ví dụ như răng sâu, vỡ mẻ sẽ được điều trị để phục hồi hình dạng cũ. Hàn răng là phương pháp kinh điển vẫn sử dụng từ hàng trăm năm qua hay thậm chí nha khoa cổ điển có thể bọc chụp luôn chiếc răng dù chỉ bị vỡ 1 phần.
Nha khoa hiện đại với triết lý xâm lấn tối thiểu cùng sự phát triển của hệ thống dán dính trong vòng 30 năm đã đem đến những “sản phẩm” mới với độ bền và tính thẩm mỹ cao, bảo tồn mô răng tối đa. Đó là những miếng dán “inlay, onlay”.
>>> Tìm hiểu thêm: Tác hại của việc trám răng Inlay – Onlay sai kỹ thuật
Có phải trường hợp nào cũng phải làm phục hồi dán inlay onlay không?
Inlay/onlay có chỉ định rất rộng rãi, ngay cả với răng đã điều trị tủy. Những trường hợp lỗ sâu rất nhỏ và nông ở những bề mặt lưu giữ tốt thì việc hàn răng vẫn đảm bảo được độ bền lâu dài, mà không cần thiết phải làm Inlay/onlay để tốn kém chi phí. Những trường hợp sâu to, ở các mặt tiếp xúc bên của răng, nha sĩ sẽ đánh giá lượng mô còn lại liệu có đủ khả năng để làm Inlay/onlay không?
Các trường hợp không nên làm inlay/onlay:
- Thay chụp cũ khi đó răng đã mài đi hầu hết mô, không còn diện tích để dính.
- Không còn men răng để dán, mất mô quá nhiều, thiểu sản men, chất lượng men quá kém thì việc dán lên men càng nhiều càng tốt sẽ tăng độ bền dán của phục hồi, men răng ít sẽ không đảm bảo cho phục hồi dán.
Quy trình thực hiện Inlay/onlay như thế nào?
Giống như khi làm chụp răng thì làm Inlay/onlay cũng gồm 2 buổi:
- Buổi 1: Bác sĩ sẽ thăm khám, đánh giá sau đó tạo hình răng phù hợp để đem lại kết quả tối ưu cho dán dính và lấy dấu răng để gửi qua labo làm 1 miếng dán Inlay/onlay.
- Buổi 2: Thử miếng dán sau khi labo đã chế tác và gắn lên răng bằng chất gắn chuyên dụng, đánh bóng và hướng dẫn sử dụng.
Có thể thấy quy trình làm các phục hồi đều giống nhau, nhưng do cơ chế lưu giữ trên răng khác nhau thì mỗi quy trình sẽ khác nhau ở bước “tạo hình răng” buổi 1 và “ gắn răng” buổi 2. Quy trình dán dính có thể phức tạp hơn 1 chút xíu. Trong bài viết này chúng tôi sẽ không đề cập chi tiết về các kỹ thuật hàn lâm nhưng sẽ điểm sơ qua để các bạn có thể nắm được các bước cơ bản:
– Tạo hình răng: Nếu như chụp răng mài hết các mặt răng theo tiêu chuẩn cụ thể thì Inlay/onlay không có 1 hướng dẫn chung nào, vì mỗi cá nhân có 1 hình thái lỗ sâu khác nhau. Việc của nha sĩ là làm sạch, đánh giá lỗ sâu, để quyết định phục hồi các múi răng với độ dày cho phù hợp với miếng dán.
Trước khi lấy dấu, chúng ta sẽ thực hiện 1 thủ thuật là “dán ngà tức thì” (IDS) để hạn chế tình trạng ê buốt. Năm 2005 Pascal Magne báo cáo rằng IDS làm tăng độ bền dán. Thậm chí sau khi thực hiện IDS, chúng ta gần như không cần làm phục hình tạm vì ê buốt ít xảy ra.